Khi ly hôn thì việc nuôi con chung luôn được các bậc cha mẹ rất quan tâm, đặc biệt là các bà mẹ. Chúng tôi nhận được rất nhều câu hỏi từ các cặp vợ chồng muốn ly hôn là cần làm gì để được nuôi con chung. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số quy định của pháp luật và các căn cứ trong thực tiễn tòa án thường áp dụng để quyết định việc giao con cho cha hoặc mẹ nuôi con.
Khoản 2, Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Vậy bạn cần chuẩn bị và chứng minh các điều kiện gì để được nuôi con?
Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “…;trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con;…”. Ở đây quyền lợi mọi mặt có thể được hiểu là quyền lợi về mặt vật chất (kinh tế) lẫn tinh thần của con. Bên nào tòa án xem xét thấy đảm bảo tốt nhất các điều kiện này thì tòa án sẽ quyết định giao con cho bên đó để trực tiếp nuôi con chung. Do đó, nhiệm vụ của cha hoặc mẹ muốn nuôi con là phải chứng minh và cung cấp chứng cứ để chứng minh.
1. Điều kiện về mặt vật chất (kinh tế) đó là:
+ Công việc, thu nhập của bạn như thế nào? Có tốt không? Có ổn định không?
+ Chỗ ở của bạn ra sao? (chỗ ở là chỗ ở hợp pháp như nhà riêng, nhà thuê, ở nhờ…).
+ Các điều kiện về tài chính khác mà bạn đang có như sổ tiết kiệm, xác nhận tiền gửi từ ngân hàng …
Để chứng minh được vấn đề này bạn cần cung cấp cho Toà án những giấy tờ như: hợp đồng lao động, bảng lương, giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu đất, sở hữu nhà (sổ đỏ), hợp đồng thuê nhà, hợp đồng cho ở nhờ,…
2. Các điều kiện về tinh thần đó là:
Các bạn cần chứng minh về việc bạn có thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, bạn luôn giành tình cảm cho con từ trước đến nay; luôn điều kiện cho con vui chơi, giải trí; bạn có nhân cách đạo đức tốt…
Ngoài các chứng cứ nêu trên bạn có thể cung cấp thêm những lời khai của hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp về mặt phẩm chất, đạo đức của bạn hoặc xác nhận của chính quyền địa phương…
Bên cạnh đó, bạn có thể cung cấp thêm các chứng cứ bất lợi cho bên kia cho tòa án, bao gồm cả việc bên kia có vi phạm các nghĩa vị vợ chồng như ngoại tình, bạo hành vợ con, cờ bạc, rượu chè; vi phạm các nghĩa vụ chăm sóc con cái như không quan tâm, chăm sóc con cái; không có điều kiện về mặt vật chất để nuôi con ….
* Lưu ý:
– Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con là con muốn sống với cha hay mẹ. Trong thực tế thì ý kiến của con đóng một vai trò quan trọng để tòa án quyết định giao con cho cha hoặc mẹ nuôi. Tuy nhiên, ý kiến của con không phải bắt buộc tòa án phải tuân theo mà nó chỉ có tính định hướng, tham khảo để tòa án đưa ra phán quyết.
– Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì mặc nhiên quyền nuôi con thuộc về người mẹ, trừ khi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác. Trong quá trình tòa án giải quyết ly hôn nếu người cha chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì Tòa án vẫn có thể giao con cho người cha trực tiếp nuôi con.
BẠN CẦN LUẬT SƯ TƯ VẤN, HỖ TRỢ PHÁP LÝ – Gọi ngay: 0827870068