1. Về ly thân:

Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành không có chế định về ly thân. Vì luật không quy định nên không có một định nghĩa chính xác về ly thân, cũng không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết cho ly thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án về việc ly thân. Trong quy định về căn cứ cho ly hôn cũng không có quy định là vợ chồng phải sống ly thân một thời gian rồi mới được ly hôn.

Ly thân, hiểu đơn giản là vợ và chồng có cuộc sống riêng như là không ăn chung, ở chung, không sinh hoạt vợ chồng. Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng nên trong thời gian sống ly thân, các bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với con chung và tài sản của vợ chồng.

Trong quá trình hành nghề luật sư thì tôi thấy rất nhiều trường hợp trước khi ly hôn họ có cuộc sống ly thân và trong thời gian đó họ tạo ra nhiều tài sản do công sức riêng của họ và họ thường hỏi tôi là pháp luật quy định như thế nào về tài sản của họ.

2. Về Ly hôn:

+ “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án” khoản 13, Điều 3, Luật HN&GĐ 2014.

+ Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn :

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.” Điều 51

+ Khi yêu cầu ly hôn thì những vấn đề cần được giải quyết: về hôn nhân, con chung, tài sản chung, nợ chung và cấp dưỡng nuôi con.