THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TẠI TÒA ÁN
1. Tranh chấp đất đai và hòa giải tranh chấp đất đai
Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Vậy tranh chấp đất đai có phải bắt buộc có hòa giải?
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định:
“Điều 3. Về chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật quy định tại điểm b khỏan 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
…
2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khỏan 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”
Như vậy, tranh chấp đất đai để xác định ai là ngời có quyền sử dụng đất thì phải bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp, nếu không hòa giải tại UBND cấp xã thì sẽ không được quyền khởi kiện tại tòa án để giải quyết.
2. Tranh chấp đất đai nào thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án:
Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy sau và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết:
– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ và thủ tục khởi kiện tại tòa án:
+ Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:
Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, gồm:
– Đơn khởi kiện;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai.
– Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND xã, phường.
– CMND hoặc CCCD, hộ khẩu.
– Các giấy tời khác liên quan để chứng mình cho yêu cầu khởi kiện của mình.
+ Nộp hồ sơ khởi kiện
– Nơi nộp: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp (nếu không có yếu tố nước ngoài).
– Hình thức nộp: Nộp bằng 1 trong 3 hình thức sau:
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;
+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
+ Thời hạn đưa vụ án ra xét xử:
Thời hạn chuẩn bị để đưa vụ án ra xét xử: 04 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn nhưng không quá 02 tháng.