093-701-7711
Luật Kiến TạoLuật Kiến TạoLuật Kiến TạoLuật Kiến Tạo
Liên Hệ
  • Giới Thiệu
  • Dân Sự
  • Hình Sự
  • Đất Đai
  • Hôn Nhân
  • Doanh Nghiệp
  • Lĩnh Vực Khác
    • Hành Chính
    • Lao Động
    • Sở Hữu Trí Tuệ
  • Văn Bản Luật
    • Văn Bản Pháp Luật
    • Án Lệ
  • Biểu Mẫu
  • Giới Thiệu
  • Dân Sự
  • Hình Sự
  • Đất Đai
  • Hôn Nhân
  • Doanh Nghiệp
  • Lĩnh Vực Khác
    • Hành Chính
    • Lao Động
    • Sở Hữu Trí Tuệ
  • Văn Bản Luật
    • Văn Bản Pháp Luật
    • Án Lệ
  • Biểu Mẫu

Bán Nhà Ở Duy Nhất Được Miễn Thuế Thu Nhập Cá Nhân?

  • Tháng Mười Hai 17, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức

Bán nhà ở duy nhất được miễn thuế Thu nhập cá nhân?

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP thì phải đáp ứng đủ 3 điều kiện như sau:

+ Một là: tại thời điểm chuyển nhượng chỉ sở hữu 01 thửa đất ở

Điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định điều kiện là tại thời điểm chuyển nhượng, cá nhân chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà ở hoặc một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó).

Việc xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC)

+ Hai là: cá nhân đã sở hữu nhà ở, đất ở tối thiểu 183 ngày

Điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định thời gian cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng phải tối thiểu là 183 ngày.

Khoản 1 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tiết b.1.2 điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn cách xác định “thời điểm 183 ngày” như sau:

Thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở là ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đối với trường hợp được cấp lại, cấp đổi theo quy định của pháp luật về đất đai thì thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở được tính theo thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trước khi được cấp lại, cấp đổi

+ Ba là: nhà ở, quyền sử dụng đất ở được chuyển nhượng toàn bộ

Điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định nhà ở, quyền sử dụng đất ở phải được chuyển nhượng toàn bộ. Trường hợp cá nhân có quyền hoặc chung quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở duy nhất nhưng chuyển nhượng một phần thì không được miễn thuế cho phần chuyển nhượng đó.

Ngoài ra, điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định: Trường hợp chuyển nhượng nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai không thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, khi đáp ứng đủ các điều kiện trên các bạn sẽ được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng ngôi nhà ở duy nhất.


Điều kiện để Việt Kiều mua nhà ở tại Việt Nam

  • Tháng Mười Hai 16, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức

Điều kiện để Việt Kiều mua nhà ở tại Việt Nam

Theo quy định của pháp luật thì Việt Kiều được mua nhà ở tại Việt Nam nhưng phải đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định. Vậy điều kiện để Việt Kiều được mua nhà ở tại Việt Nam là gì?

1. Thế nào là Việt Kiều?

Theo Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sử đổi, bổ sung năm 2014) quy định như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

4. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.”

Như vậy, Việt Kiều được hiểu là công dân Việt Nam, người có gốc Việt Nam đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

2. Điều kiện để Việt Kiều được mua nhà ở tại Việt Nam là gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở:

“2. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có giấy tờ theo quy định sau đây:

a) Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;

b) Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ởnước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

Như vậy, Việt Kiều muốn mua nhà ở Việt Nam thì phải đáp ứng một trong hai điều kiện trên thì sẽ được sở hữu nhà tại Việt Nam.


VIỆT KIỀU ĐƯỢC MUA NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM KHÔNG?

  • Tháng Mười Hai 15, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức

VIỆT KIỀU ĐƯỢC MÙA NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM KHÔNG?

Việt kiều hiện nay rất nhiều người về Việt Nam để sinh sống và làm việc rất nhiều và họ nhu cầu mua nhà để ở. Vậy Việt Kiều có được mua nhà ở tại Việt Nam hay không?

Câu hỏi như sau:

Ông Nguyễn Văn Nam là người Việt Nam định cư nước ngoài, nay có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở tại TPHCM từ một cá nhân người Việt Nam (tài sản không thuộc dự án nhà ở thương mại).

Ngoài ra, ông Nam có nhu cầu vay ngân hàng tại Việt Nam để mua nhà. Bên chuyển nhượng đã thuê dịch vụ bảo đảm cho ông Nam mua và thế chấp chính quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở này.

Ông Nam hỏi, ông có thuộc đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở như trên không? Ông có được phép sử dụng chính quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở này để thế chấp hay không?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Điều 159, 160, 161 và 162 Luật Nhà ở 2014, được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai.

Đối với việc sở hữu nhà ở không thuộc các dự án phát triển nhà ở thì chỉ được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam được thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 186 Luật Đất đai.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ

http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Viet-kieu-duoc-mua-nha-o-Viet-Nam/354681.vgp


Thông tư 07/2019/TT-BXD ngày 07/11/2019 sửa đổi, bổ sung, thay thế một số nội dung Thông tư 03/2016/TT-BXD

  • Tháng Mười Hai 14, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức
BỘ XÂY DỰNG
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 07/2019/TT-BXDHà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2019

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI THÔNG TƯ SỐ 03/2016/TT-BXD NGÀY 10 THÁNG 3 NĂM 2016 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG TRONG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định số 59/2015/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng,

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2016/TT-BXD)

1. Bổ sung thêm Điều 1a vào sau Điều 1 như sau:

“Điều 1a. Giải thích từ ngữ

a) Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.

b) Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.

c) Công trình đa năng (hoặc công trình hỗn hợp) là công trình có nhiều công năng sử dụng khác nhau (Ví dụ: một công trình được thiết kế sử dụng làm chung cư, khách sạn và văn phòng là công trình đa năng).

d) Chiều cao của nhà, công trình, kết cấu là chiều cao được tính từ cao độ mặt đất tới điểm cao nhất của nhà, công trình, kết cấu. Đối với công trình có cao độ mặt đất khác nhau thì chiều cao tính từ cao độ mặt đất thấp nhất. Cách xác định chiều cao của nhà, công trình, kết cấu trong các trường hợp cụ thể được quy định tại Phụ lục 2 Thông tư 03/2016/TT-BXD”.

đ) Tầng trên mặt đất là tầng mà cao độ sàn của nó cao hơn hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

e) Tầng hầm (hoặc tầng ngầm) là tầng mà hơn một nửa chiều cao của nó nằm dưới cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

g) Tầng nửa/bán hầm (hoặc tầng nửa/bán ngầm) là tầng mà một nửa chiều cao của nó nằm trên hoặc bằng cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

h) Tầng kỹ thuật là tầng bố trí các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà. Tầng kỹ thuật có thể là tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng áp mái hoặc tầng bất kỳ của tòa nhà.

i) Tầng áp mái là tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5m.

k) Số tầng của tòa nhà (hoặc công trình) bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng nửa/bán hầm, không bao gồm tầng áp mái.

Công trình có tầng tum không tính vào số tầng của công trình khi chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái.

Đối với nhà ở riêng lẻ, tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới.

Đối với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (không bao gồm nhà ở riêng lẻ), tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300m2.

Mỗi công trình chỉ được phép có một tầng lửng không tính vào số tầng của công trình.

2. Sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Phụ lục 1 “Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô công suất hoặc tầm quan trọng” của Thông tư số 03/2016/TT-BXD như Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

3. Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Phụ lục 2 “Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu” của Thông tư số 03/2016/TT-BXD như Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

4. Bãi bỏ Điểm d Mục 2 phần Ghi chú của Bảng 2 Phụ lục 2 “Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu” của Thông tư số 03/2016/TT-BXD .

5. Thay thế Mục 3.5 tại Phụ lục 3 “Ví dụ xác định cấp công trình” của Thông tư số 03/2016/TT-BXD bằng Mục 3.5 tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Quy định về chuyển tiếp

1. Cấp công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được quyết định đầu tư trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xác định theo quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

2. Trường hợp công trình có điều chỉnh thiết kế xây dựng sau ngày Thông tư này có hiệu lực:

a) Việc điều chỉnh thiết kế xây dựng không làm thay đổi về quy mô công suất, quy mô kết cấu quy định tại Thông tư này thì cấp của công trình được xác định theo quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình;

b) Việc điều chỉnh thiết kế xây dựng làm thay đổi về quy mô công suất, quy mô kết cấu thì cấp công trình được xác định theo quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
– Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Website của Chính phủ;
– Công báo (02 bản);
– Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng;
– Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp;
– Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Cổng Thông tin điện tử của Bộ Xây dựng;
– Lưu: VT (10 bản), Cục GĐ.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Hùng

Thông tư còn có phụ lục đính kèm.


Thủ Tục Người Nước Ngoài Mua Nhà Ở Tại Việt Nam

  • Tháng Mười Hai 10, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức

Thủ Tục Người Nước Ngoài Mua Nhà Ở Tại Việt Nam

Những năm gần đây nhu cầu người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam ngày càng nhiều và pháp luật cũng cho phép họ mua nhà tại Việt Nam khi đáp ứng được các điều kiện. Vậy thủ tục để người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam như thế nào?

– Người nước ngoài được mua nhà ở của ai?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 76 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều củaLuật Nhà ở thì:

“Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 7 của Nghị định này và chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu; trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam nhưng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì giải quyết theo quy định tại Điều 78 của Nghị định này”.

Như vậy, nếu cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại mà dự án này không thuộc khu vực bảo đảm an ninh quốc phòng hoặc chỉ được mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sở hữu nhà ở mà có nhu cầu bán lại nhà ở này trước khi hết hạn sở hữu nhà ở, không quy định người nước ngoài được mua căn hộ từ cá nhân là người Việt Nam.

Hình ảnh người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam (hình minh họa)

– Trình tự, thủ tục mua nhà ở như thế nào?

Theo Điều 120 Luật Nhà ở quy định về trình tự, thủ tục giao dịch về nhà ở như sau:

“1. Các bên tham gia giao dịch nhà ở thỏa thuận lập hợp đồng mua bán, cho thuê, thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở hoặc văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại (sau đây gọi chung là hợp đồng về nhà ở) có các nội dung quy định tại Điều 121 của Luật này; trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương thì chỉ cần lập văn bản tặng cho.

2. Các bên thỏa thuận để một bên thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó; trường hợp mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho bên mua, bên thuê mua, bên nhận tặng cho, nhận đổi, nhận góp vốn, nhận thừa kế nhà ở cùng với nhận chuyển quyền sử dụng đất ở hợp pháp có nhà ở đó thì đồng thời công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho bên nhận quyền sở hữu nhà ở.

Theo đó, cá nhân là người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam thì các bên lập hợp đồng mua nhà. Nếu mua nhà từ chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận cho người mua. Nếu mua của các cá nhân, tổ chức nước ngoài thì các bên thỏa thuận một bên thực hiện thủ tục để nhà nước cấp Giấy chứng nhận cho người mua.


Người Nước Ngoài Có Được Mua Nhà Ở Tại Việt Nam?

  • Tháng Mười Hai 9, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức

Người Nước Ngoài Có Được Mua Nhà Ở Tại Việt Nam?

Người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam, tuy nhiên để mua được nhà ở phải đáp ứng điều kiện nhất định. Chúng tôi cung cấp cho bạn các quy định của pháp luật về đối tượng, điều kiện được mua nhà ở như sau:


Căn cứ Khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm:

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật liên quan.

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi là tổ chức).

– Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua 02 nhóm hình thức sau:

– Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam;

– Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Hình ảnh người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam (hình minh họa)

Điều kiện để người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam


Theo Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 thì người nước ngoài thuộc đối tượng trên thì có quyền mua nhà ở tại Việt Nam, tuy nhiên để được mua nhà thì phải có giấy tờ chứng minh. Cụ thể:

+ Điều kiện với tổ chức

Tổ chức thì phải Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn hiệu lực tại thời điểm ký hợp đồng mua nhà, thuê mua nhà ở.

+ Điều kiện với cá nhân

Cá nhân người nước ngoài phải đáp ứng 02 điều kiện sau:

– Có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam;

– Không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

Lưu ý:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 76 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở thì: cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại mà dự án này không thuộc khu vực bảo đảm an ninh quốc phòng hoặc chỉ được mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sở hữu nhà ở mà có nhu cầu bán lại nhà ở này trước khi hết hạn sở hữu nhà ở, không quy định người nước ngoài được mua căn hộ từ cá nhân là người Việt Nam.


Người Nước Ngoài Có Được Mua Đất Tại Việt Nam Không?

  • Tháng Mười Hai 8, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức

Người Nước Ngoài Có Được Mua Đất Tại Việt Nam Không?

Rất nhiều bạn hỏi về việc người nước ngoài có được mua đất tại Việt Nam không? Chúng tôi cung cấp cho bạn các quy định của pháp luật để trả lời cho câu hỏi này.

Căn cứ Điều 5 Luật Đất đai 2013 quy định về người sử dụng đất thì:

“Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

Như vậy, theo quy định trên người sử dụng đất không có người nước ngoài. Ngoài ra, căn cứ vào Điều 169 Luật Đất đai 2013 quy định về người nhận quyền sử dụng đất thì cũng không có quy định người nước ngoài được mua đất tại Việt Nam. Do đó, người nước ngoài không được mua đất, sở hữu đất tại Việt Nam.


Thủ Tục Cấp Lại Sổ Đỏ Khi Bị Mất, Bị Thất Lạc

  • Tháng Mười Hai 7, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức

Thủ Tục Cấp Lại Sổ Đỏ Khi Bị Mất, Bị Thất Lạc

Một thực tế cũng hay xẩy ra và bạn đọc cũng hay hỏi chúng tôi liên quan đến thủ tục để cấp lại Sổ đỏ bị mất, bị thất lạc. Chúng tôi giới thiệu đến các bạn các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất, bị thất lạc.

Căn cứ Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ- CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 quy định về việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất như sau:

“1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

– Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

Như vậy, chúng tôi tóm tắt lại thủ tục, tuần tự để thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất, bị thất lạc như sau:

+ Bước 1: Người bị mất sổ đỏ phải đến UBND cấp xã, phường nơi có đất nộp đơn khai báo về việc mất sổ đỏ và cam kết trước pháp luật về việc khai báo của mình. 

+ Bước 2:  Chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ bao gồm:

-Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận (theo mẫu)

-Giấy tờ xác nhận việc mất sổ đỏ của công an cấp xã nơi mất giấy;

– Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy đối với hộ gia đình và cá nhân.

-Giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất Giấy chứng nhận trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương (trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hoả hoạn) đối với tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

+ Bước 3: Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, các bạn nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ và tiến hành cấp lại sổ đỏ cho bạn theo quy định của pháp luật.


Giảm Đối Tượng, Trường Hợp Được Ghi Nợ Tiền Sử Dụng Đất Từ 10/12/2019

  • Tháng Mười Hai 6, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức

Giảm Đối Tượng, Trường Hợp Được Ghi Nợ Tiền Sử Dụng Đất Từ 10/12/2019

Ngày 26/1/2010, Chính Phủ đã chính thức ban hành Nghị định số: 79/2019/NĐ-CP để sửa đổi Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất. Nội dung quan trọng nhất của việc thay đổi này là giảm đối tượng và trường hợp được ghi nợ tiền sử dụng đất. Cụ thể:

– Theo Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP thì: “Hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7,Điều 8, Điều 9 Nghị định này và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính…”. Nghĩa là bất kỳ hộ gia đình, cá nhân nào cũng có thể được ghị nợ tiền sử dụng đất nếu họ khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, Điều 1 Nghị định 79/2019/ NĐ-CP thì chỉ: “Hộ gia đình, cá nhân (gồm: người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn).

Như vậy, đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất giảm đi (thu hẹp), chỉ những người có công với các mạng; hộ nghèo; các nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu tại các xã là địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mới được ghi nợ tiền sử dụng đất.

– Điều 16 Nghị định Nghị định 45/2014/NĐ-CP thì trường hợp được ghi nợ tiền sử dụng đất gồm: chuyển mục đích sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận và được nhà nước giao đất tái định cư. Trong khi đó Nghị định 79/2019/ NĐ-CP thì chỉ có một trường hợp duy nhất là: được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.


Sổ Hồng, Sổ Đỏ – Cái Nào Có Giá Trị Pháp Lý Cao Hơn?

  • Tháng Mười Hai 6, 2019/
  • Posted By : Luật Kiến Tạo/
  • 0 comments /
  • Under : Đất Đai, Tin Tức

SỔ HỒNG, SỔ ĐỎ – CÁI NÀO CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CAO HƠN?

Theo quy định của pháp luật thì không có bất kỳ thuật ngữ nào gọi là Sổ hồng, Sổ đỏ. Đây là thuật ngữ mà người dân thường gọi dựa theo màu sắc của sổ, màu đỏ thì gọi là Sổ đỏ, màu hồng thì gọi Sổ hồng. Vậy cái nào có giá trị pháp lý cao hơn?

1. “Sổ đỏ”:

Sổ đỏ là mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, bìa có màu đỏ, với nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất, mẫu này có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật đất đai 2003: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.

2.“ Sổ hồng”:

Sổ hồng là mẫu do Bộ Xây dựng ban hành, bìa có màu hồng với nội dung là ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nên mẫu có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” (mẫu này có màu hồng).

Để thống nhất thành một, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT về cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Theo đó, hai loại Giấy chứng nhận nói trên sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… (mẫu này cũng màu hồng).

Bên cạnh đó, Điều 97 Luật Đất đai 2013 cũng quy định:

“1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này”. Như vậy, theo các quy định như trên thì Sổ đỏ, Sổ hồng đều là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.  Hiện nay cả 3 loại Giấy chứng nhận này vẫn có giá trị pháp lý để lưu hành và cả ba Giấy chứng chứng nhận đều có giá trị pháp lý như nhau.


‹ Prev1234567Next ›Last »
Bài viết mới
  • Án lệ số 39/2020/AL về xác định giao dịch dân sự có điều kiện vô hiệu do điều kiện không thể xảy ra
  • Án lệ số 38/2020/AL về việc không thụ lý yêu cầu đòi tài sản đã được phân chia bằng bản án đã có hiệu pháp luật.
  • DỊCH VỤ LUẬT SƯ LY HÔN
  • DỊCH VỤ LUẬT SƯ TRANH CHẤP THỪA KẾ
  • DỊCH VỤ LUẬT SƯ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Chuyên mục
  • Án Lệ
  • Biểu Mẫu
  • Dân Sự
  • Đất Đai
  • Doanh Nghiệp
  • Hành Chính
  • Hình Sự
  • Hôn Nhân
  • Tin Tức
  • Văn Bản Luật
  • Văn Bản Pháp Luật
CÔNG TY LUẬT KIẾN TẠO

Luật Kiến Tạo
Công ty Luật Kiến Tạo của chúng tôi tập hợp nhiều luật sư với chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với nghề.

LIÊN HỆ
  • Tầng 7, 454 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, Quận 3, TP. HCM
  • 0937 01 77 11
  • luatkientao@gmail.com
BÀI VIẾT GẦN ĐÂY
  • án lệ số 39
    Án lệ số 39/2020/AL về xác định giao dịch dân sự có điều kiện vô hiệu do đ. . . Tháng Mười 11,2020
  • Án lệ số 38/2020/AL về việc không thụ lý yêu cầu đòi tài sản đã được phâ. . . Tháng Mười 11,2020
Copyright Ceros 2019. All Rights Reserved