Khi ly hôn các bậc cha mẹ rất quan tâm đến việc nuôi con chung, nhất là các bà mẹ. Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc tranh chấp, giành quyền nuôi con khi ly hôn. Chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn một số quy định của pháp luật để các bạn tham khảo.

Khoản 2, Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, khi ly hôn Tòa án luôn dựa vào nguyên tắc thỏa thuận giữa cha và mẹ của người con để quyết định ai sẽ là người được nuôi con. Do đó, cha, mẹ của người con có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau đối với con khi hoặc sau khi ly hôn.

Trong trường hợp cha, mẹ của con không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ dựa vào quyền lợi mọi mặt của con để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng. Việc quyết định ai có quyền nuôi con khi ly hôn ngoài những điều kiện nêu trên còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: công việc, chỗ ở, thu nhập, thời gian chăm sóc con, môi trường sống… của mỗi bên.  Do đó, người muốn được nuôi con phải chứng minh được với Tòa án về bản thân sẽ cung cấp được điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con và có đủ các điều kiện đảm bảo cả về kinh tế lẫn tinh thần cho sự triển của con. Điều kiện vật chất như công việc, thu nhập, tài sản, chỗ ở… về tinh thần như có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, môi trường sống…

Ngoài ra, bên muốn được nuôi con có thể cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh người còn lại không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái, có hành vi bạo lực, thu nhập không ổn định…

Tranh chấp giành quyền nuôi con (ảnh minh họa)

Một số lưu ý khi tòa án xem xét các quy định của pháp luật:

+ Xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi – tức là trong quá trình phán quyết ai sẽ là người nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phụ trách phiên tòa giải quyết ly hôn là người có thẩm quyền lấy ý kiến trẻ từ đủ 07 tuổi về việc muốn sống với cha hay với mẹ. Khi lấy ý kiến phải tuân thủ quy định tại Điều 208 BLTTDS 2015 là phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của trẻ; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ, việc lấy ý kiến phải đảm bảo giữ bí mật cá nhân của trẻ. Bên cạnh đó, tại điểm 26 Mục IV của Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07 tháng 4 năm 2017 của TANDTC cũng hướng dẫn về quy định nêu trên như sau: “Phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng”. Trong thực tế thực tế, ý kiến của con thường mang tính định hướng, tham khảo và là một phần để Tòa án xem xét đi đến quyết định giao con cho ai nuôi.

+ Xem xét trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì mặc nhiên quyền nuôi con thuộc về người mẹ, trừ khi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác. Luật quy định như vậy xuất phát từ yêu cầu đảm bảo quyền được hưởng đầy đủ các quyền của đứa trẻ, nên khi xem xét việc giao con cho người nào trực tiếp nuôi dưỡng Tòa án phải đánh giá thực tế điều kiện nuôi dưỡng con của cha, mẹ. Trong quá trình tòa án giải quyết ly hôn nếu người cha chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì Tòa án vẫn có thể giao con cho người cha trực tiếp nuôi con.